CHUYỆN VỀ BÀ THIÊN HẬU THÁNH MẪU


Ông Lâm Nguyện, người thời nhà Tống bên Trung Hoa, gốc gác ở đảo My Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa (nay là tỉnh Phúc Kiến). Sinh được nhiều con, trong đó có người con gái thứ bảy, đặt tên là Lâm Mặc Nương. Mặc Nương sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp thân, thời vua Tống Nhân Tông (nhằm năm 1044 Tây lịch).

Tương truyền mẹ của bà phải mang thai đến mười bốn tháng trời mới sinh ra bà, khi lâm bồn thì có mùi hương thơm lan thỏa khắp thinh không, ánh hào quang tỏa ra chói lòa, bà sinh ra từ đấy. Khi mới chào đời, bà không khóc, cũng không la. Người nhà nhân thấy sự lạ đó mới lấy chữ “Mặc” để đặt tên. Mặc Nương tức là cô gái im lặng vậy.

Thiên Hậu Thánh Mẫu.



Bà Mặc Nương càng lớn thì càng biểu lộ tư chất thông tuệ. Tám tuổi đã biết đọc, mười một tuổi đã tu học Phật giáo, mười ba tuổi bà thụ lĩnh Thiên thư, Thần Võ Y giáng xuống ban cho bà một bộ “Nguyên vị bí quyết”. Sau đó lại tìm được ở dưới giếng cạn một tập cổ thư khác nữa. Bà cứ y theo hai bộ sách đó mà tu học, chẳng mấy thì đắc đạo, thường thi triển những phép đã học được để giúp dân chúng quanh vùng.

Một lần, cha cùng hai người anh của bà dong buồm vượt biển, chở muối vào trong đất liền để bán. Chẳng may giữa đường gặp nạn, bão tố nổi lên đánh đắm mất thuyền. Bà Mặc Nương khi đó đang ngồi ở nhà dệt vải thì ngủ gục xuống khung cửi, xuất hồn đi cứu cha và hai anh. Trong chớp mắt hồn bà đã tới nơi. Ở trên thinh không, bà với tay kéo được cha, dùng răng cắn vạt áo cha mà níu giữ, còn hai tay nắm được hai người anh trai. Giữa lúc đó thì mẹ bà gọi bà thức giấc, bà vừa hở môi trả lời thì đánh rơi mất cha xuống biển, sóng biển lập tức cuốn trôi, không còn thấy đâu là hình dạng nữa, chỉ cứu được hai người anh trở về mà thôi. Kể từ đó, mỗi khi thuyền bè gặp nạn, người ta thường gọi vái đến bà, lần nào cũng được bà trổ thần thông ra cứu vớt.

Khi bà hóa Thánh về trời, người dân nơi đây đã lập đền thờ phụng, suy tôn bà là Thông Hiền Linh Nữ. Đến năm Canh dần (nhằm năm 1110 Tây lịch), Triều đình nhà Tống sắc phong bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Nam Hải Thần Nữ. Đến đời Tống Cao Tông lại sắc phong bà là Sùng Linh Huệ Chiêu Ứng Phu Nhân. Đến đời Nguyên Thế Tổ lại sắc phong là Hộ Quốc Linh Trước Thiên Phi. Đến đời nhà Thanh lại gia phong là Thiên Hậu.

Tục thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu khởi nguồn từ đây, sau lan dần ra khắp nơi bởi những thuyền nhân người Hoa lênh đênh vượt biển tới vùng đất mới. Khi cập bờ an toàn và ổn định nơi cư ngụ, họ liền dựng đền thờ bà để tạ ơn vì đã che chở cho họ trong những ngày lênh đênh nơi biển cả. Lẽ vì đó nên khắp nơi trên thế giới, nơi nào có Hoa kiều thì nơi đó đều có đền miếu thờ bà Thiên Hậu vậy. Ở nước ta cũng có nhiều đền miếu thờ bà, đơn cử như hội người Hoa ở Bình Dương.


Chẳng ai biết ngôi đền thờ bà Thiên Hậu được dựng ở đất Bình Dương từ năm nào, chỉ biết rằng khởi nguồn ngôi đền được dựng ở bên rạch Hương Chủ Hiếu. Trải qua thời gian lâu dài nên đã hư hoại lắm rồi vậy. Đến năm Quý hợi (1923 Tây lịch) thì có bốn bang hội người Hoa là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ cùng chung tay phục dựng lại ngôi đền ở vị trí mới, nay là số 4 đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, Thủ Dầu Một. Có vẻ như đến nay, bà Thiên Hậu vẫn còn uy linh lớn lắm. Không những người Hoa quanh vùng, mà kể cả người Việt ở khắp miền cũng về tế lễ nơi đây, cầu xin bà gia lộc để cho việc kinh thương được thuận lợi, may mắn về tài nguyên được dồi dào. Người ta cũng tới đây làm lễ cầu đảo, vay vàng vay tiền của bà để lấy lộc làm ăn. Nhiều người nhờ có lộc bà mà chuyện kinh doanh thành công thấy rõ. Đến cả chuyện tới cầu xin bà cho lộc trúng số cũng nhiều người xác nhận ứng linh thì chúng dân khắp thiên hạ không tin sao được.


Lại xét đến Phong thủy của ngôi đền thì thấy rằng, bản trạch tọa Dần hướng Thân, trước mặt là đường lớn, lại có công viên thoáng đãng làm minh đường, chếch bên tay phải là ngã sáu Thủ Dầu Một, nhà dân và trường học bao xung quanh, bốn mùa luôn náo nhiệt, bát tiết thường đông vui.


Cứ theo khí số tuần hoàn mà nói thì thấy rằng thời Thượng nguyên, đầu nguyên và cuối nguyên thì vượng tài, duy chỉ có giữa nguyên là có cách cục Tam ban xảo quái.
Thời Trung nguyên thì đầu nguyên và cuối nguyên đắc cách Châu bảo nên tài đinh lưỡng vượng, đến giữa nguyên thì có cách cục Tam ban xảo quái.
Thời Hạ nguyên thì đầu thời chỉ vượng nhân đinh và công danh, cuối thời cũng vượng về nhân đinh vậy. Giữa thời thì có cách cục Tam ban xảo quái.

Ngôi miếu này được khởi tạo vào cuối vận 3 Thượng nguyên, dễ chừng đến đầu Trung nguyên mới đi vào việc tế tự. Như vậy là đắc cách Châu bảo, đinh tài lưỡng vượng, lại hợp thành cục thế Văn xương nên khoa danh nức tiếng. Những người đến đây tế lễ ở thời đó chẳng lẽ lại không được linh ứng trong chuyện cầu danh cầu tài và cầu tự hay sao.

Các thời vận khác, tùy theo khí số mà ứng nghiệm khác nhau, nhưng thấy rằng thời nào cũng có việc lợi tài cả. Ví thử như thời nay là đang ở giữa Hạ nguyên, khí số là Tam ban nhưng hình thế tương hợp với lý khí, Thành môn lại được dẫn động, bổ trợ địa khí cho bản trạch, cho nên cũng gọi là vượng vậy.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến