PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI NGÀY GIỜ VÀ ĐỊA CUỘC SÁT SƯ

     Giải trừ cấm kỵ - Hộ thân trừ họa – Giữ mạng tồn sinh – Hành đạo an lành

     I. TỔNG LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG XUNG SƯ PHẠM SƯ

     Phàm là người hành nghề phong thủy, dân gian thường gọi là “Địa sư” hay “Âm dương tiên sinh”. Việc làm phong thủy, vốn là tích đức hành thiện, trợ hưng gia đạo. Nhưng trong nghề lại ẩn tàng nhiều cấm kỵ. Một trong những điều tối kỵ chính là “Xung sư – Phạm sư”: nghĩa là trong lúc làm huyệt âm trạch hay dương trạch mà khí sát, hung thần hoặc tà sát xung phạm đến bản thân phong thủy sư, gây ra tai ương thảm họa.




     Những tình huống dễ gặp phải "xung sư phạm sư" bao gồm:


1. Âm phần, Dương trạch là cát địa, phúc địa, nhưng do khí lực quá mạnh, dễ sinh phản sát

2. Địa thế bại tuyệt, hung địa suy tàn, càng dễ xung phạm

3. Thi thể chết bất đắc kỳ tử, chết thảm, tử uế chưa hóa hết

4. Địa sư thân thể suy nhược, tâm thần bất an, gặp địa khí tuyệt sát nơi khảo sát

5. Chọn ngày sai lầm, nhật thần khắc thân

6. Phân kim tọa sơn trùng xung với bản mệnh địa sư

7. Mệnh chủ của người mất có năm sinh hình xung khắc với địa sư

8. Trước khi khởi hành gặp điềm gở: Người đánh nhau, thấy máu, nghe thấy tiếng khóc, thấy gương vỡ bể, v.v...


     Những hiện tượng trên có thể ứng nghiệm nhanh như: ngã bệnh, tai nạn, tử vong. Hoặc ứng chậm như: vận suy, bệnh tật triền miên, gia đạo suy bại.

     Do đó, người hành nghề phong thủy cần học kỹ pháp hóa giải xung sư, đồng thời nắm vững phương pháp hộ thân, trấn sát. Gặp hiện tượng bất tường, tuyệt đối không lớn tiếng, không trấn trạch, lập tức rời khỏi hiện trường. Nếu bị tà khí xâm thân, hãy dùng vỏ quýt cúng tổ tiên trong Tết, ngâm nước sạch rửa mắt, rửa thân, tà khí sẽ tiêu tan.


     II. LIỆT KÊ CÁC NGÀY SÁT SƯ – SÁT SƯ NHẬT, SÁT SƯ THỜI


     1. Niên La hầu nhật (Những ngày La hầu trong năm)


Năm Tý – ngày Quý Dậu

Năm Sửu – ngày Giáp Tuất

Năm Dần – ngày Đinh Hợi

Năm Mão – ngày Giáp Tý

Năm Thìn – ngày Ất Sửu

Năm Tỵ – ngày Giáp Dần

Năm Ngọ – ngày Đinh Mão

Năm Mùi – ngày Giáp Thìn

Năm Thân – ngày Kỷ Tỵ

Năm Dậu – ngày Giáp Ngọ

Năm Tuất – ngày Đinh Mùi

Năm Hợi – ngày Giáp Thân


     2. Tứ quý La hầu nhật (Những ngày La hầu của bốn mùa)


Xuân: ngày Ất Mão

Hạ: ngày Bính Ngọ

Thu: ngày Canh Thân

Đông: ngày Tân Dậu


     3. Nguyệt La hầu nhật (Những ngày La hầu trong tháng)


Tháng Giêng – ngày Hợi

Tháng Hai – ngày Tý

Tháng Ba – ngày Sửu

Tháng Tư – ngày Dần

Tháng Năm – ngày Mão

Tháng Sáu – ngày Thìn

Tháng Bảy – ngày Tỵ

Tháng Tám – ngày Ngọ

Tháng Chín – ngày Mùi

Tháng Mười – ngày Thân

Tháng Mười Một – ngày Dậu

Tháng Chạp – ngày Tuất


     4. Sát sư thời (Giờ Sát sư)


Ngày Tý: kỵ giờ Sửu, Ngọ

Ngày Sửu: kỵ giờ Tỵ, Hợi

Ngày Dần: kỵ giờ Dần, Ngọ

Ngày Mão: kỵ giờ Thìn, Tuất

Ngày Thìn: kỵ giờ Tỵ, Sửu

Ngày Tỵ: kỵ giờ Thìn, Tuất

Ngày Ngọ: kỵ giờ Mão, Thân

Ngày Mùi: kỵ giờ Ngọ, Thìn

Ngày Thân: kỵ giờ Tuất, Sửu

Ngày Dậu: kỵ giờ Tý, Ngọ

Ngày Tuất: kỵ giờ Mão, Ngọ

Ngày Hợi: kỵ giờ Thìn, Mão


     III. LUẬN VỀ CÁC HÌNH LONG SÁT SƯ – HÌNH HUYỆT SÁT HẠI PHONG THỦY SƯ


     Long Kiếm – Kiếm Long Sát Sư: Là loại long mạch có eo lưng hẹp, nhọn, như sống kiếm. Hình thế hiểm độc, sát khí dâng tràn. Người đi trên thế đất ấy thường không thể đứng vững, dễ trượt ngã, tổn thân. Kiếm sống long đa phần kết từ hỏa tinh, thuần dương, không hóa. Chôn tại nơi ấy không kết huyệt, chủ tuyệt diệt.

 

     Bắc Thần Thủ Thủy Khẩu – Huyệt Sát Sư Ngầm: Huyệt kết tại nơi có Bắc Thần tinh trấn thủ miệng thủy khẩu, sát khí lẫm liệt, đá nhọn như giáo gươm. Nếu huyệt ở trung tâm kết huyệt, lập tức sát ứng với địa sư. Nếu kết huyệt phụ bên ngoài, có thể tránh họa. Cần phân biệt rõ trung – phụ huyệt.

 

     Long Mang Đao Kiếm – Dương Tinh Hộ Vệ, Hình Sát Trùng Trùng: Là loại long có khí sắc hiển lộ ra đao kiếm, gươm giáo, chĩa ra bốn hướng. Huyệt như vậy kết thì ứng máu đổ, thương tổn. Tuy nhiên nếu là huyệt hướng xuất khí (ngoại phát), không sát sư, mà sinh người võ tướng, hung nhân.

 

     Hình Rết – Huyệt Nguy Hại Địa Sư: Long mạch đi theo hình rết, nhiều chân, khúc khuỷu. Nếu đầu rết mở miệng, không có châu sa phía trước thì sát sư. Nếu có châu sa như viên châu tròn phía trước thì không sát, gọi là “rết nuốt châu”.

 

     Hình Rắn – Văn Tinh Tán Khí, Khó Kết Huyệt: Rắn là văn tinh, khí yếu. Nếu rắn mở miệng nuốt vật, trước không có châu sa thì dễ sát sư. Nếu có châu sa phía trước thì hóa sát, không hại.

 

     Hình Hổ – Hình Sư – Cọp Gầm Sư Gào, Khẩu Huyệt Phát Sát: Khi kết huyệt tại hình đất giống hổ hoặc sư tử, đầu lớn, miệng mở, có sát khí âm dương giao tranh. Nếu trước huyệt có “thịt” – tức là tụ điểm đất mềm, thì hóa sát. Nếu không có, huyệt kết tại miệng, chủ ứng sát ngay.


     IV. PHÁP HÓA GIẢI SÁT SƯ – CHÚ NGỮ – NGHI PHÁP – PHÒNG THÂN


     Chú Khai Cục Hóa Sát:

 

     "Nhất nhị tam tứ ngũ, Thủy hỏa mộc kim thổ, Ngũ hành thông thiên địa, Bát quái định càn khôn. Bàn Cổ khai thiên địa, Sơn Hoàng hộ địa linh. Khương Thượng Tổ Sư lai, Bách sát thỉnh hồi tỵ. Ngô phụng Dương Công lệnh, Khai bàn định cửu cung. Thiên vô kỵ, địa vô kỵ, âm dương vô kỵ, bách vô cấm kỵ."

     Vừa tụng, vừa dùng kiếm chỉ tay phải, vẽ 4 đường dọc, 5 đường ngang trên la bàn, quay 3 vòng thuận, miệng tụng: "Thiên vô kỵ, địa vô kỵ, âm dương vô kỵ, bách vô cấm kỵ."

 

     Kỵ không được ứng tiếng – không đáp lời khi người gọi 'Thầy' trong sát sư nhật.

 

     Kỵ ăn nhậu trong ngày sát sư. Nếu phải ăn, mỗi món dâng lên lại thả xuống đất dưới chân, dùng chân giẫm nhẹ.


     Nếu bị phạm khách: miệng méo, môi lệch, lập tức dùng giấy câu đối dán cửa mà lau mép.

 

     Nếu xe bị hỏng, phá – do hổ trắng chặn đường – thì dùng rượu trắng phun lên xe, hoặc bóc 4 góc chữ Hỷ dán lên xe.

 

     Tuyệt đối không đặt la bàn trực tiếp xuống đất.


     V. GHI NHỚ VÀ ỨNG DỤNG


     Địa sư khi gặp sát sư địa – tuyệt không nên tái nhập, không nên lưu lại. Định huyệt xong lập tức rời xa, không nghe điện thoại, không nghe pháo, không nhìn hạ táng. Tránh cảm ứng khí trường.

 

     Nếu đã rõ là huyệt sát sư, tuyệt không nên tự chôn. Nếu chủ nhân cố ép, thì địa sư tuyệt không định kim.

 

     Nếu bắt buộc phải chôn thì đợi ngày khác mở huyệt, cho khí tản, sát giảm. Định huyệt xong phải rời khỏi ngay.


     VI. ÁN CHỨNG LỊCH SỬ

 

     Tại huyện Liêm Giang – tỉnh Quảng Đông – có một huyệt sát sư. Huynh đệ địa lý từ Giang Tây đến làm, gặp huyệt ấy, đã rõ là sát khí. Khi hạ táng, hai người cưỡi ngựa tránh xa. Nhưng người anh dừng sớm, người em bảo nên đi xa hơn, không nghe. Đến lúc pháo nổ vọng đến, người anh rớt ngựa, chết tại chỗ. Quả là khí trường ứng nghiệm, linh dị không ngờ.


LƯỢNG THIÊN XÍCH. Sưu tầm và dịch

Bài đăng phổ biến