Quỷ Hồn Thuyết - Luận về Tam Hồn Thất Phách

 


     Sách Tính Mệnh Song Tu Vạn Thần Khuê Chỉ (性命雙修 萬神圭旨) - tập đầu, nói về thuyết Quỷ hồn, gồm một bức tranh minh họa về Tam hồn thất phách (hoặc ba hồn bảy vía) có tên là Hồn Phách Đồ và một bài luận. Nguyên văn như sau:



     鬼魂

     Quỷ hồn thuyết

 

1. 陽神曰魂;陰神曰魄。

Dương thần viết hồn; Âm thần viết phách.

2. 魂之與魄,互為室宅。

Hồn chi dữ phách, hỗ vi thất trạch.

3. 魂者氣之神,有清有濁。

Hồn giả khí chi thần, hữu thanh hữu trọc.

4. 口鼻之所以呼吸者,呼為陽伸,吸為陰屈也。

Khẩu tị chi sở dĩ hô hấp giả, hô vi dương thân, hấp vi âm khuất dã.

5. 魄者精之神,有虛有實。

Phách giả tinh chi thần, hữu hư hữu thực.

6. 耳目之所以視聽,視者為陰明,聽為陰靈也。

Nhĩ mục chi sở dĩ thị thính, thị giả vi âm minh, thính vi âm linh dã.

7. 生謂之精氣,死謂之魂魄。

Sinh vị chi tinh khí, tử vị chi hồn phách.

8. 天地公共底謂之鬼神也。

Thiên địa công cộng để vị chi quỷ thần dã.

9. 鬼云為魂,鬼白為魄。

Quỷ vân vi hồn, quỷ bạch vi phách.

10. 雲者風,風者木。

Vân giả phong, phong giả mộc.

11. 白者氣,氣者金。

Bạch giả khí, khí giả kim.

12. 風散故輕清,清輕者魄從魂升;金風故重濁,重濁者魂從魄降。

Phong tán cố khinh thanh, thanh khinh giả phách tòng hồn thăng; kim phong cố trọng trọc, trọng trọc giả hồn tòng phách hàng.

13. 故聖人以魂運魄,眾人以魄攝魂。

Cố thánh nhân dĩ hồn vận phách, chúng nhân dĩ phách nhiếp hồn.

14. 魂晝寓目,魄夜舍肝。

Hồn trú ngụ mục, phách dạ xá can.

15. 寓目能見,舍肝能夢。

Ngụ mục năng kiến, xá can năng mộng.

16. 夢多者魄制魂,覺多者魂勝魄。

Mộng đa giả phách chế hồn, giác đa giả hồn thắng phách.

17. 蓋因魄有精,因精有魂,因魂有神,因神有意。

Cái nhân phách hữu tinh, nhân tinh hữu hồn, nhân hồn hữu thần, nhân thần hữu ý.

18. 因意有魄,五者運行不已。

Nhân ý hữu phách, ngũ giả vận hành bất dĩ.

19. 所以我之真心,流轉造化幾億萬,未有窮極。

Sở dĩ ngã chi chân tâm, lưu chuyển tạo hóa kỷ ức vạn tuế, vị hữu cùng cực.

20. 然核芽相生,不知其幾萬株。

Nhiên hạch nha tương sinh, bất tri kỳ kỷ vạn chu.

21. 天地雖大,不能芽空中之核。

Thiên địa tuy đại, bất năng nha không trung chi hạch.

22. 雌卵相生,不知其幾萬禽,陰陽雖妙,不能卵無雄之雌。

Thư noãn tương sinh, bất tri kỳ kỷ vạn cầm, âm dương tuy diệu, bất năng noãn vô hùng chi thư.

23. 是以聖人,萬物之來,對之以性,而不對之以心,性者心未萌也。

Thị dĩ thánh nhân, vạn vật chi lai, đối chi dĩ tính, nhi bất đối chi dĩ tâm, tính giả tâm vị manh dã.

24. 無心則無意,無意則無魄,無魄則不受生,而輪迴永息矣。

Vô tâm tắc vô ý, vô ý tắc vô phách, vô phách tắc bất thụ sinh, nhi luân hồi vĩnh tức hĩ.

 

     Dịch nghĩa:

 

     Thuyết về Quỷ Hồn

 

1. Thần Dương gọi là Hồn, Thần Âm gọi là Phách.

2. Hồn và Phách tương trợ cùng ngụ một nhà.

3. Hồn là thần của Khí, có thanh có trọc.

4. Miệng mũi là nơi hô hấp: thở ra là Dương duỗi, hít vào là Âm co.

5. Phách là thần của Tinh, có hư có thực.

6. Tai mắt là nơi nghe nhìn: nhìn là Âm minh, nghe là Âm linh.

7. Sống gọi là Tinh Khí, chết gọi là Hồn Phách.

8. Trời đất cùng mài giũa thì gọi là Quỷ Thần.

9. "Quỷ Vân" là Hồn, "Quỷ Bạch" là Phách.

10. Vân là Gió, Gió là Mộc. 

11. Bạch là Khí, Khí là Kim.

12. Gió tán thì nhẹ thanh, thanh nhẹ thì Phách theo Hồn mà thăng, Kim Khí thì nặng trọc, nặng trọc thì Hồn theo Phách mà giáng.

13. Cho nên, Thánh nhân dùng Hồn vận Phách; người thường dùng Phách nhiếp Hồn.

14. Hồn ban ngày trú ở mắt, Phách ban đêm ở gan.

15. Trú ở mắt thì thấy được, ở gan thì sinh mộng.

16. Mộng nhiều là do Phách chế Hồn, tỉnh táo là do Hồn thắng Phách.

17. Bởi vì: Phách có Tinh, Tinh sinh Hồn, Hồn sinh Thần, Thần sinh Ý.

18. Ý lại sinh Phách, năm thứ ấy xoay chuyển không ngừng.

19. Cho nên Chân Tâm của ta lưu chuyển trong Tạo Hóa hàng ức triệu năm, chưa từng tận cùng.

20. Hạt giống sinh mầm, không biết bao nhiêu cây.

21. Trời Đất dù lớn, không sinh được hạt không nơi trú.

22. Gà mái sinh trứng, không biết bao nhiêu loài chim; Âm Dương tuy mầu nhiệm, không thể trứng nở nếu không có gà trống.

23. Cho nên Thánh nhân, khi đối với muôn vật, dùng Tính mà ứng, không dùng Tâm, Tính là khi Tâm chưa sinh khởi.

24. Không Tâm thì không Ý, không Ý thì không Phách, không Phách thì không tiếp sinh, và Luân hồi sẽ dừng lại mãi.

 

     Lượng Thiên Xích luận:

 

     Người sinh trong thiên địa, thụ hưởng khí âm dương, ngưng tụ tinh huyết, hòa hợp thần khí mà thành nên hồn phách. Hồn thuộc dương thần, phách thuộc âm tinh. Hồn dẫn đạo cho thần trí, phách giữ gìn thân xác hình hài. Chính vậy mà cổ nhân luận rằng: “Hồn là linh quang của trời, phách là cốt tủy của đất.”

 

     Tam hồn gồm có Thai Quang (胎光), Đài Quang (台光) và Thượng Dương (上陽). Thai Quang chủ về tình cảm sâu xa vi diệu, là nền tảng của đạo tâm và lòng từ bi. Người nào Thai Quang thanh khiết thì tấm lòng sáng trong, tình thương rộng khắp. Đài Quang chủ thần thức tinh hoa, quản trị ý niệm và linh cảm cao siêu, giúp con người kết nối với thần minh và trí tuệ vô cùng. Thượng Dương cai quản hành vi, tâm ý, đạo đức và lý trí. Khi Thượng Dương vững mạnh thì tâm ngay ý chính, hành vi đoan chính, phẩm hạnh thanh cao.

 

     Thất phách lại gồm bảy: Thi Cẩu (尸狗), Thi Thác (屍拓), Đa Tâm (多心), Tước Âm (雀陰), Thôn Tặc (吞賊), Phi Độc (飛毒) và Trừ Uế (除穢). Mỗi phách quản trị một phương diện khác nhau của bản năng và thân xác.

     Thi Cẩu (Phục Thỉ) là phách chủ về phản ứng bản năng, tự vệ, phòng thân. Khi phách này mất cân bằng sẽ sinh lòng hung dữ, dễ gây tổn hại người khác.

     Thi Thác (Phụ Thất) quản trị cảm giác sợ hãi, bất an nội tâm. Phách này yếu thì tâm thần hoảng loạn, dễ gặp ác mộng.

     Đa Tâm (Dâm Động) chủ dục vọng và tình ái, sinh lòng tham dục không nguôi. Đa Tâm mạnh quá thì thần trí mê loạn, chìm đắm trong ham muốn.

     Tước Âm (Tráng Cư) chuyên trách về hoan ái và kích dục. Người có Tước Âm mạnh thường dễ bị sắc dục điều khiển, khó giữ lòng thanh khiết.

     Thôn Tặc (Tư Can) chủ về lòng tham, ham muốn chiếm hữu vật chất. Người bị Thôn Tặc chi phối thường không biết đủ, dễ sinh trộm cắp, dối trá.

     Phi Độc (Nộ Lão) quản về sự sân hận, thù ghét, oán giận. Phi Độc mất cân bằng thì con người dễ sinh nóng nảy, hung hăng, độc địa.

     Trừ Uế (Thảo Cách) cai quản sức khỏe thể xác, loại bỏ khí uế. Trừ Uế yếu thì bệnh tật dễ xâm nhập, thân thể suy nhược, khí lực yếu ớt.

 

     Tam hồn nhập thể trong ba tháng đầu thai kỳ, dần dần hòa hợp với thân xác, định hình tinh thần và linh thức. Thất phách lần lượt nhập vào thai nhi từ tháng thứ tư đến tháng thứ mười. Sau khi sinh, cứ đến các năm 3, 6, 9, 12, 15, 18, 21 tuổi, thất phách sẽ hoàn tất đầy đủ. Trẻ nhỏ phách khí chưa toàn vẹn, nên tinh thần non nớt, dễ bị ngoại khí ảnh hưởng. Nữ giới lại thêm bảy âm phách gọi là “Yểm”, quản trị về mộng mị, cảm ứng linh giới sâu sắc hơn nam nhân, bởi vậy nữ nhân thường dễ thấy mộng lạ, cảm nhận tâm linh tinh tế hơn.

     Khi con người gần lìa đời, hồn phách cũng dần dần thoát ly khỏi thể xác. Một năm trước khi qua đời, khí lực suy yếu, thần trí bắt đầu mơ hồ. Khoảng mười ngày trước khi lâm chung, tâm thần hôn mê, thần khí dần tan. Ngay trước khi mất, ba hồn bảy phách mới hoàn toàn lìa khỏi cơ thể, trở về với cõi âm hoặc thiên giới tùy theo nghiệp quả và sự tu tập khi còn sống.

     Lại xét đến tình chí nơi ngũ tạng mà gây ảnh hưởng đến hồn phách: Quá vui thì hại tâm, thần khí phân tán, hồn bất ổn; quá giận thì hại gan, khí uất hồn loạn, tinh thần mờ tối; quá lo nghĩ thì hại tỳ, khí trệ làm phách khí trì trệ; quá buồn thì hại phế, tổn thương phách thần, vía yếu thần suy; quá sợ hãi thì hại thận, mất chí mất thần, hồn phách tán loạn.

     Người tu luyện phải biết cân bằng tình chí, nuôi dưỡng tinh thần, giữ tâm an định, thần khí thanh khiết. Dưỡng hồn cần dùng thức ăn phù hợp ngũ hành, luyện khí tĩnh tọa, trì chú tụng kinh để nâng cao linh khí. Hộ phách phải giảm dục, kiềm chế bản năng tham sân, tránh vọng niệm tà khí, dùng đạo dược, phù chú để hóa giải âm khí ô trọc.

 

     Thế gian vạn sự đều do hồn phách định đoạt. Người không hiểu lẽ hồn phách thì tâm mê đường tối, chẳng khác gì kẻ đi đường mà mất ánh sáng soi đường. Đạo gia lấy minh hồn dưỡng phách làm nền tảng của đạo tu, giúp người tu đạo giữ được thần trí an ổn, khí phách điều hòa, tiến tới hợp nhất tính mệnh, vượt thoát sinh tử luân hồi, ngộ nhập chân đạo vô vi.

     Người tu hành phải luôn quán xét hồn phách, tiết chế tâm dục, giữ lòng tịnh minh. Có như vậy mới thực chứng chân đạo, đạt đến cảnh giới thanh tịnh tự tại, vĩnh viễn tiêu dao ngoài vòng sinh tử.

 

LƯỢNG THIÊN XÍCH




Bài đăng phổ biến